Bệnh Lồng ruột là bệnh ngoại khoa trầm trọng và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Bạn cần có kiến thức về căn bệnh này để có thể bảo vệ con mình một cách tốt nhất. Hãy cùng mẹ và bé tìm hiểu về bệnh này nhé!
1.Bệnh lồng ruột ở trẻ em là gì?
Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Bệnh hầu như chỉ gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ.
Bệnh lồng ruột ở trẻ em là một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường ruột bao gồm ruột non và ruột già, trong đó một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng đoạn ruột phía dưới làm cản trở sự lưu thông đường ruột. Khi đoạn ruột chui vào kèm theo các mạch máu cũng bị cuốn vào theo, làm cho các mạch máu bị thắt nghẹn làm tổn thương đoạn ruột phía dưới
2. Nguyên nhân gây bệnh lồng ruột
Hiện các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh lồng ruột. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng khả năng gặp phải hiện tượng này như:
- Tuổi tác: lồng ruột có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thống kê cho thấy có tới 80 – 90% các trường hợp bị lồng ruột là trẻ dưới một tuổi. Trong đấy, độ tuổi bị bệnh nhiều nhất là trẻ từ năm đến sáu tháng tuổi.
- Giới tính: bệnh lồng ruột thường xảy ra các bé trai nhiều hơn các bé gái
- Bẩm sinh: từ khi sinh ra bé đã có cấu tạo ruột bất thường.
- Những vấn đề bất thường: viêm ruột, khối u trong ruột, polyp lòng ruột hoặc mắc bệnh gây rối loạn co bóp ruột, mắc hội chứng suy giảm miễn dịch.
3.Triệu chứng của bệnh lồng ruột
Đau bụng: Bé có dấu hiệu đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.
Nôn: Trong giai đoạn đầu sẽ thấy trẻ nôn ra thức ăn, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng.
Đi vệ sinh nặng ra máu: Trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, đại tiện ra máu có thể xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24 tiếng. Xuất hiện 95 % ở trẻ còn bú.
Đại tiện máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn.
4.Cách xử trí khi trẻ bị lồng ruột
– Khi trẻ đột nhiên khóc to, bỏ bú và nôn, bố mẹ cần đưa ngay con tới một cơ sở cấp cứu ngoại khoa.
– Sau khi xác định đúng bệnh của trẻ, cần tháo khối ruột lồng bằng cách bơm hơi qua hậu môn hoặc thụt thuốc cản quang dưới hướng dẫn của máy chiếu X-quang. Dưới áp lực của hơi hoặc thuốc, khối ruột lồng sẽ được tháo dần.
– Nếu trẻ được đưa đến muộn quá sáu tiếng, cần tiến hành phẫu thuật ngay mới tháo được khối ruột lồng.
– Trường hợp sau 24 giờ, ruột đã có dấu hiệu hoại tử, phải cắt đoạn ruột đó. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức sau mổ rất khó khăn và phức tạp. Trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.
Tóm lại, lồng ruột là một dạng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ có diễn tiến nhanh với nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý để sớm phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.