Tăng cân khi mang thai vẫn luôn là nỗi lo ngại của không ít bà mẹ tương lai. Tăng cân ít thì sợ con không đủ lớn. Còn tăng cân nhiều đồng nghĩa với việc mẹ sẽ có một cơ thể “phì nhiêu” sau khi sinh, đó là chưa kể đến các bệnh lý thai kỳ xuất phát từ việc thai phụ thừa cân. Để có một em bé khỏe mạnh thì trong thai kỳ, người mẹ cần tăng bao nhiêu cân là đủ? Điều này còn phụ thuộc vào tình trạng của người mẹ, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người phụ nữ nào giống nhau hoàn toàn.
1. Các yếu tô ảnh hưởng tới sự tăng cân của mẹ bầu trong thai kỳ
- Trẻ: 3.200g-3.600g.
- Nhau thai: 500g-900g.
- Dịch ối: 900g.
- Sự phì đại tuyến vú: 500g.
- Tử cung: 900g.
- Thể tích máu được gia tăng: 1.400g.
- Mỡ cơ thể: 2.300g.
- Mô và dịch cơ thể tăng: 1.800g-3.200g.
2. Mức tăng cân hợp lý theo thể trạng từng mẹ bầu
Mẹ bầu có cân nặng bình thường trước khi mang thai nên tăng 11,3-16kg. Nếu người mẹ thiếu cân trước khi mang thai nên tăng 12,7-18,3kg. Trường hợp mẹ dư thừa cân trước khi mang thai, nên tăng 7-11,3kg. Nếu mẹ có song thai thì nên tăng 16-20,5kg.
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng 1kg, ba tháng giữa tăng 5kg, ba tháng cuối tăng 6kg. Có nhiều bà mẹ ít tăng cân hoặc không tăng cân trong 3 tháng đầu thai kỳ vì bị nghén nhưng phần lớn vẫn tăng được 0,9-1,8kg.
Trong ba tháng giữa và cuối thai kỳ nên tăng trung bình 0,3-0,5kg/tuần. Khoảng tuần thứ 13 của thai kỳ, hàm lượng Estrogen bắt đầu tăng. Chất này tác động như một chất kích thích sự thèm ăn làm cho nhiều bà mẹ có cảm giác thèm một số loại thức ăn như đất, quả chua…
3. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu tăng cân hợp lý
Khi mang thai, mẹ bầu cần chế độ dinh dưỡng cân bằng với 3 bữa chính và 3 bữa phụ một ngày. Không được bỏ qua nguồn chất đạm và chất béo từ trứng và các loại đậu. Dĩ nhiên thịt và cá vẫn sẽ là những món ăn quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của bạn nhưng nên hạn chế ăn quá nhiều thịt mỡ và cá biển chứa nhiều thủy ngân như cá ngừ, cá mập, cá kiếm.
Trong thai kỳ đủ tháng, người mẹ cần tiêu thụ thêm 80.000Kcalo tức là trong 280 ngày thì bình quân mỗi ngày cần thêm 285Kcalo. Như vậy, trong mỗi bữa ăn bạn nên chú ý ngoài chất đạm động vật như sữa, trứng (kể cả trứng vịt lộn), thủy sản, tôm, cua, cá, ốc… cần chú ý đến chất đạm từ nguồn thức ăn thực vật vừa rẻ, vừa có lượng đạm cao, lại có thêm lượng chất béo tốt như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng, lạc…
Theo tạp chí mẹ yêu con phụ nữ mang thai cũng cần bổ sung các loại vitamin tiền sản, uống tối thiểu 2 lít nước lọc mỗi ngày, hạn chế các món có caffein và đường, chỉ uống nước trái cây được ép từ trái cây tươi. Các bà bầu không nên ăn vặt quá nhiều hoặc tự ý sử dụng các loại thảo dược và thực phẩm chức năng mà không có sự tư vấn của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn nên bổ sung các khoáng chất như: Sắt, canxi, kẽm, iốt, axit folic và các loại vitamin A, C, D, B1, B2. Trong đó đặc biệt lưu ý đến sắt, canxi và axit folic bởi thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh làm tăng nguy cơ bị biến chứng sản khoa. Bạn nên bổ sung 60mg sắt nguyên tố/ngày trong suốt thời gian mang thai đến sau đẻ một tháng. Thiếu axit folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Axit folic có vai trò bảo vệ chống lại những khiếm khuyết của ống thần kinh trong sự thụ thai. Vì thế bạn cần bổ sung từ 300- 400mcg/ngày. Canxi cần đủ 800- 1000mg mỗi ngày trong suốt thời gian bạn mang thai và cho con bú.
Bạn cần lưu ý không dùng các loại chất kích thích như rượu, cà phê, nước chè đặc, thuốc lá…; Giảm ăn các loại gia vị gây kích thích như: Ớt, hạt tiêu, dấm, tỏi. Nên ăn nhạt (bớt muối), nhất là các bà mẹ bị phù thận, để giảm phù và tránh tai biến khi đẻ.