Sốt phát ban ở trẻ đặc trưng với những cơn sốt cao. Cha mẹ cần tìm hiểu rõ về bệnh sốt phát ban để có thể bảo vệ sức khỏe của con mình tốt nhất nhé! Nào cùng mẹ yêu con tìm hiểu về bệnh này nhé!
1.Sốt phát ban là gì?
Sốt phát ban là tình trạng nóng sốt và nổi các đốm nhỏ bằng hoặc nhô lên, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và nguyên nhân gây ra do virus herpes 6 hoặc 7. Bệnh thường không gây nguy hiểm và sẽ khỏi nếu được nghỉ ngơi và uống thuốc đầy đủ.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây sốt cao và dẫn đến biến chứng. Có nhiều loại sốt phát ban, trong đó có 2 loại phổ biến là ban đỏ và ban đào. Khi bị sốt phát ban các triệu chứng thường kéo dài trong khoảng 1 – 2 tuần.
2. Nguyên nhân gây sốt phát ban ở trẻ
Sốt phát ban là bệnh lây nhiễm do virus human herpes 6 hoặc trong một số trường hợp là do virus human herpes 7 gây ra. Virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng cá nhân của họ.
Người lớn chưa từng bệnh nếu tiếp xúc với trẻ bị sốt phát ban có thể sẽ ảnh hưởng về sau. Tuy nhiên, đối với người lớn khỏe mạnh, bệnh sẽ không nặng. Nếu không bị phát ban hoặc chỉ sốt nhẹ, bạn vẫn có nguy cơ nhiễm virus qua con cái của mình và các thành viên khác trong gia đình thông qua dịch tiết hô hấp hoặc nước bọt.
3.Biểu hiện bị sốt phát ban ở trẻ
Sau khi bị nhiễm virus, bé sẽ bị phát bệnh sau 1-2 tuần. Nếu bị nhẹ, các dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ có thể không rõ ràng. Tuy nhiên, một số biểu hiện và triệu chứng mà bố mẹ nên theo dõi con như:
– Sốt: Khi bị sốt phát ban, trẻ thường có dấu hiệu sốt cao và nhiệt độ cơ thể bé có thể tăng lên tới 39,4ºC. Ngoài ra, bé còn có thể bị đau họng, ho, chảy nước mũi trước và trong khi sốt.
– Phát ban: Thông thường các nốt phát ban sẽ xuất hiện sau khi trẻ bị sốt. Các nốt ban này sẽ có màu hồng hoặc đốm và có thể xuất hiện trên ngực, bụng và lưng trước khi lan rộng đến hai tay và cổ. Các vết ban này thường không ngứa và sẽ kéo dài trong vài ngày.
Ngoài 2 triệu chứng sốt phát ban đặc trưng như trên trẻ còn có thể bị một số tình trạng như: mệt mỏi, khó chịu, sổ mũi, tiêu chảy nhẹ, mắt bị sưng, biếng ăn.
4.Khi nào cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ?
Đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bất cứ sự nghi ngờ nào của bố mẹ cũng có thể đưa trẻ đi gặp bác sĩ. Ngoài ra, khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau thì nên đưa trẻ đi khám ngay:
– Trẻ sốt cao hơn 39 độ
– Thời gian sốt phát ban kéo dài hơn 7 ngày (thông thường trẻ sốt từ 3 – 5 ngày).
– Phát ban không có chuyển biến tích cực sau 3 ngày.
– Nếu trẻ có những dấu hiệu như mỏi, khó thở, phân có máu, chảy mủ tai, co giật… thì phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay.
5.Chăm sóc trẻ khi bị sốt phát ban
– Hạ sốt đúng cách cho trẻ: nếu trẻ sốt từ 38 độ trở lên cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol loại đơn chất với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 – 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm khi cần, để tránh biến chứng sốt cao co giật ở trẻ.
– Giảm ho, giảm đau họng cho trẻ: khi trẻ ho nên cho trẻ uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như rau tần dầy lá, tắc chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong…
– Làm thông mũi trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm: giúp trẻ dễ ăn uống và bú sữa mẹ.
– Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… Trẻ ăn uống quá khó khăn phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
– Bù đủ nước, điện giải cho trẻ: Phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước như nước hoa quả, súp hoặc oresol. Cách ly trẻ để tránh nhiễm khuẩn cũng như lây nhiễm với các trẻ khác.
Sau khi đã bù đầy đủ nước điện giải và hạ sốt cho trẻ, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi nếu trẻ tiến triển xấu thì nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
– Kiêng tắm, kiêng gió là quan niệm vô cùng sai lầm khi chăm sóc trẻ bị sốt phát ban. Ủ kín sẽ khiến bé khó hạ sốt, dẫn đến co giật và biến chứng nguy hiểm. Bạn nên vệ sinh cơ thể trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, hãy lau khô thật nhanh để trẻ không bị nhiễm lạnh.
– Khi trẻ bị sốt phát ban các bố mẹ có thể dùng các loại lá sau để tắm cho con:
- Lá chè xanh: Nấu nước lá chè xanh tắm cho con sẽ giúp con giảm mệt mỏi, da dẻ dễ chịu hơn, đào thải độc tố trên da bởi trong lá chè xanh có chứa chất chống oxy hóa cao và Vitamin B.
- Tắm lá ngải cứu: Tắm lá ngải cứu sẽ giúp nhanh chóng làm dịu da, tiêu viêm, chữa được các chứng cảm cúm, giúp cơ thể ổn định hơn.
- Tắm lá trầu không: Trong lá trầu không có chứa polyphenol có khả năng chống khuẩn, khử trùng, tiêu diệt được nhiều loại vi trùng, nấm trên da. Tắm cho bé loại lá này chỉ nên dùng từ 5 – 7 lá, đun sôi sẽ có hiệu quả trong điều trị sốt phát ban ở trẻ.
6. Cách Phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ em?
Hiện nay vẫn chưa có giải pháp phòng ngừa sốt phát ban cho trẻ nhỏ và người lớn. Cách tốt nhất là bảo vệ cơ thể, tránh tiếp xúc với người đang có dấu hiệu bị sốt phát ban cũng như các chứng bệnh khác. Cách phòng bệnh tốt nhất là bạn nên đi tiêm chủng để phòng ngừa. Hướng dẫn trẻ và các thành viên gia đình thường xuyên rửa tay thật sạch. Bổ sung đầy đủ trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại virus.
Với những thông tin trên đây hy vọng các mẹ có thể hiểu được nguồn gốc của bệnh cũng như cách chữa trị phòng ngừa sốt phát ban để bảo vệ cho sức khỏe của con mình cũng như người thân thật tốt nhé!