Sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm thường gặp. Bệnh này có dấu hiệu cũng như mức độ nghiêm trọng đa dạng. Nhẹ thì có thể tự khỏi nhưng nếu nặng có thể dẫn đến tử vong. Cùng Meyeucon.vn tìm hiểu kĩ hơn về căn bệnh này qua bài viết dưới đây nhé.
1. Nguyên nhân của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết chủ yếu do virus dengue từ cơ thể loài muỗi Aedes aegypti gây nên. Chu kỳ lây nhiễm chủ yếu là:
– Đầu tiên muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue.
– Tiếp theo virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 đến 11 ngày rồi tiếp tục trong thời gian đó truyền bệnh cho người. Virus đi vào cơ thể người rồi tiếp tục lại quay lại vòng tuần hoàn: muỗi Aedes hút máu từ cơ thể người bệnh rồi truyền sang cơ thể người lành.
Theo tổ chức y tế thế giới, sốt xuất huyết là mối đe dọa đến sức khỏe và là mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng của không ít quốc gia tại châu Mỹ và châu Á. Ước tính có khoảng trên dưới 50 triệu người bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết mỗi năm.
Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra nhiều lần trong năm. Tuy nhiên trong thời gian mùa mưa dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát cao nhất.
2. Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết
Giai đoạn sốt
Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.
– Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.
– Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu.
– Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết.
– Chán ăn, buồn nôn.
– Đau cơ, đau khớp.
– Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
Giai đoạn nguy hiểm
Thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Tuy nhiên vẫn cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của sốt xuất huyết. Nó có thể tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng.
– Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 – 48 giờ); tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau.
– Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết. Thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.
– Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.
– Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng. Nếu gặp dấu hiệu này cần phải cấp cứu nhanh chóng.
3. Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết
Theo Tổ chức Y tế Thế giới 2009, bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ:
Sốt xuất huyết Dengue
– Lâm sàng:
Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau. Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
– Cận lâm sàng:
Hematocrit bình thường hoặc tăng. Số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm. Số lượng bạch cầu thường giảm.
Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
Bao gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết Dengue.
– Ngoài ra còn kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, li bì.
– Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Gan to > 2 cm.
– Nôn nhiều
– Xuất huyết niêm mạc
– Tiểu ít
Sốt xuất huyết Dengue nặng
– Thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều.
– Xuất huyết nặng.
– Suy tạng.
Chú ý: Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Hy vọng những thông tin trên bài về bệnh sốt xuất huyết hữu ích với người đọc.