Bí quyết chống say xe đơn giản mà hiệu quả bạn cần biết

0
1049

Say xe là nỗi ám ảnh của rất nhiều người mỗi khi phải đi xa tuy nhiên với những bí quyết dưới đây bạn có thể quên đi nỗi ám ảnh say tàu xe mỗi khi tham gia một chuyến đi xa.

Say tàu xe là tình trạng mà nhiều người gặp phải khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Đó là tình trạng phổ biến ở một số người khi họ di chuyển bằng xe hơi, xe lửa, máy bay hoặc tàu, thuyền. Nhiều người cũng bị tình trạng này khi họ chơi tàu lượn hoặc các trò chơi mạo hiểm tương tự ở các công viên giải trí. Các triệu chứng của say xe có thể từ nhẹ nhàng như đổ mồ hôi cho tới chóng mặt, đau đầu và thậm chí là nôn.

Bí quyết chống say xe đơn giản mà hiệu quả bạn cần biết

Vì sao có hiện tượng say xe?

Say tàu xe xảy ra do các tín hiệu gửi từ mắt và tai đến não không đồng nhất. Khi những thứ bạn nhìn thấy và bạn cảm thấy bị mâu thuẫn nhau, não sẽ xuất hiện hiện tượng bị nhầm lẫn, một dấu hiểu gửi đến não giống như cơ thể có cảm giác bị trúng độc, từ đó não sản xuất ra một phản ứng chống lại trạng thái ngộ độc, gây ra hiện tượng nôn ói.

Bí quyết chống say xe hiệu quả

Ăn vừa phải trước khi lên xe và không ăn các loại thức ăn có bơ, sữa…

Việc ăn quá no trong khi phải di chuyển một đoạn đường dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa gây khó tiêu, trào ngược thức ăn. Hạn chế ăn trước khi lên xe, hoặc có thể ăn các đồ ăn nhẹ như bánh quy, bánh mì – những loại thực phẩm có khả năng hấp thụ Acid trong dạ dày. Bạn cũng có thể ăn một ít hoa quả tráng miệng.

Uống thuốc hoặc dùng cao dán chống say tàu xe

Trước khi lên xe 10-15 phút, uống 1 viên thuốc chống say để phòng tránh say tàu xe theo liều lượng quy định. Phương pháp này có tác dụng đến 97%.

Chọn chỗ ngồi

Thông thường, khi lên ôtô, người dễ say tàu xe nên ngồi ở ghế trước bởi nếu ngồi ở ghế sau, khi vào cua đuôi xe sẽ văng nhiều hơn, càng dễ say. Tuy nhiên, không nên ngồi ở ghế trên đầu cùng với lái xe bởi vị trí này sẽ khiến dễ say xe hơn. Nếu bạn không có sự lựa chọn mà bắt buộc phải ngồi ghế sau, hãy thử trò chuyện với mọi người xung quanh và đặc biệt, không dùng điện thoại và đọc sách trên xe.

Nhìn ra xa

Khi lên xe, nếu bị say thì nên hạn chế nhìn vào những vật gần, màn hình điện thoại hay đọc sách. Hãy cố gắng nhìn ra các điểm càng xa càng tốt, tập trung tầm mắt vào những nơi xa bên ngoài cửa sổ xe có thể giúp não xác định các tín hiệu chính xác rằng bạn đang di chuyển.

Nên ngồi thẳng, nhìn về phía trước và nhìn ra xa. Không nên ngồi ngược hướng xe chạy, ngồi nghiêng lệch sang hai bên hoặc liên tục “ngọ nguậy” quá nhiều trên xe, di chuyển qua lại cũng sẽ gây chóng mặt.

Ấn huyệt nội quan

Khi say xe bạn có thể dùng ngón tay cái ấn vào các huyệt nội quan (huyệt nội quan nằm ở bên khớp cổ tay, trên vân ngang cổ tay, khoảng giữa ngón tay giữa và gân mu bàn tay. Cách này thường được các bác sỹ đông y áp dụng.

Gừng tươi

Cắt một lát gừng tươi cầm trên tay, lúc ngồi trên xe ôtô, bạn hãy đặt ở dưới lỗ mũi để cho mùi hăng và cay bay vào trong mũi. Cũng có thể cắt một miếng gừng và lấy băng dính dán vào rốn. Ngoài ra, trà gừng cũng là một phương pháp hữu hiệu. Bạn có thể uống trước trà gừng khi đi. Ngậm kẹo gừng cũng là một giải pháp, chất ngọt sẽ giúp bạn tăng cường tuần hoàn não.

Vỏ cam quýt

Tinh dầu từ vỏ cam/quýt có khả năng kích thích thần kinh, lấn át mùi khó chịu trên xe. Tinh dầu cùng hương thơm dìu dịu từ vỏ quýt sẽ giúp bạn đỡ say và cảm thấy dễ chịu hơn.

Dùng bánh Mì

Bánh Mỳ là loại thức ăn rất được ưa chuộng khi lên tàu xe. Khi ăn bánh mì, tuyến tụy sẽ tiết ra trypsin. Men này trao đổi chất với axit amin trong bánh mì có tác dụng trấn tĩnh thần kinh.

Ngoài ra, ngửi một mẩu bánh mỳ có thể giúp giảm bớt mùi tàu xe, giảm cảm giác say xe. Đó là lý do vì sao ở các bến xe rất hay bán bánh mỳ.

Chuyển hướng sự chú ý

Khi không có thuốc hoặc không thể uống thuốc chống say, bạn có thể thắt thắt lưng chặt hơn hoặc dùng vật gì chèn quấn quanh bụng với mục đích làm cho bụng được chặt lại, các cơ quan nội tạng không bị lỏng, di chuyển tự do trong khoang bụng. Điều này dễ khiến cho bạn bị nôn sau mỗi lần xe chạy gặp phải “ổ gà”.

Hãy chú ý đến việc gì đó khác thay vì suy nghĩ rằng bạn đang đi xe, bạn sợ say và bạn có cảm giác buồn nôn. Càng nghĩ nhiều, càng dễ bị say.

Hít thật sâu, thở ra từ từ

Cách này rất thích hợp trong trường hợp xe hay phanh gấp, hay dừng đón trả khách. Lúc này, bạn nên hít vào thật sâu cho không khí đầy phổi, rồi giữ hơi một lát hãy từ từ thở ra bằng mũi. Làm như vậy khi bạn cảm thấy khó chịu sẽ có tác dụng giảm sự nhảy cảm của tiền đình, ngừa chóng mặt buồn nôn.

Chú ý thông gió

Những chiếc xe nhỏ kín mít hoặc những xe nặng mùi xăng dầu thì đều là nguyên nhân khiến việc say xe trở nên trầm trọng hơn. Nếu không mở được cửa kính xe, bạn nên ngồi ở nơi có nhiều gió nhất trên xe, ví dụ như phía trước xe, nơi có họng điều hòa.

Ngoài ra, nếu không có giải pháp tốt hơn, bạn nên cố gắng ngủ trong thời gian di chuyển. Ngủ là cách tốt nhất để dỗ dành cơ thể vượt qua được cảm giác say xe một cách nhẹ nhàng.

Nhắm mắt trong giây lát

Khi có triệu chứng buồn nôn thì bạn hãy lập tức nhắm mắt lại và ngồi thẳng lưng trong giây lát. Điều này sẽ giúp cắt cơn khó chịu mà bạn đang gặp phải.

Dùng khẩu trang

Dùng khẩu trang chống say tàu xe

Đây là chuyện có vẻ rất nhỏ nhưng lại tốt cho bạn. Khẩu trang giúp bạn không bị mùi của xăng và đồ trong xe ập thẳng vào khứu giác, từ đó đỡ đi cảm giác khó chịu và nôn nao ban đầu.

Trang bị túi dự phòng

Cuối cùng, bạn cũng không nên quên biện pháp dự phòng là chuẩn bị túi để nôn, nhất là trong những thời điểm khẩn cấp như khi xe dừng lại, vì đây là thời điểm những người say xe rất dễ bị nôn.

Với những mẹo vặt trên xin chúc các bạn có những chuyến đi vui vẻ, khỏe khoắn và không bị say xe!