Bệnh thủy đậu ở trẻ em và cách chữa trị tránh để lại biến chứng

0
1063

Bệnh thủy đậu ở trẻ em là tình trạng phổ biến hiện nay. Nó thuộc bệnh truyền nhiễm cấp tính và có khả năng lây lan rất cao. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ để lại những biến chứng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Cùng Meyeucon tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết sau. 

1. Nguyên nhân gây nên bệnh thủy đậu ở trẻ em 

Virus Varicella Zoster là “thủ phạm” gây ra bệnh thủy đậu. Nó lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Vì vậy đa số các trường hợp mắc bệnh đều do tiếp xúc với người bị thủy đậu thông qua không khí. Ví dụ như hít phải nước bọt khi người bị thủy đậu ho, hắt xì hay tiếp xúc với chất dịch bên trong mụn nước.

Ngoài ra, việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo hay ăn uống với người bị thủy đậu cũng là một trong những nguyên nhân lây truyền bệnh.

2. Triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ em

Thời kỳ ủ bệnh 

Thời kì này sẽ kéo dài trong khoảng 14 đến 17 ngày. Thông thường không để lại triệu chứng lâm sàng.

Thời kỳ khởi phát 

– Khoảng 1 ngày, có thể không sốt hoặc sốt nhẹ

– Trẻ nhỏ thường không chịu chơi, quấy khóc

– Có trường hợp sốt cao 39- 40 độ C, trằn trọc mê sảng co giật

– Có thể đi kèm viêm họng, viêm xuất tiết đường hô hấp trên.

Bệnh thủy đậu ở trẻ em và cách chữa trị tránh để lại biến chứng

Thời kỳ toàn phát

– Thoạt đầu là những ban dát màu đỏ. Vài giờ sau thành nốt phỏng nước trong, rất nông như đặt trên mặt da. Sau từ 24 đến 48 giờ ngả màu vàng, có hình cầu nổi trên mặt da 2mm. Ban mọc rải rác toàn thân kể cả chân tóc và trong miệng.

– Ban mọc 3-4 ngày một đợt. Vì vậy trên một vùng da có thể thấy nốt ban ở các độ tuổi khác nhau.

– Sau từ 4-6 ngày, nốt thuỷ đậu tự khô, đóng vảy màu nâu sẫm và bong ra sau một tuần. Nó không để lại sẹo vĩnh viễn, trừ khi có loét và bội nhiễm

– Một số biến chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương, khớp…. nếu không được chữa trị kịp thời.

3. Cách điều trị phòng tránh biến chứng 

Trẻ em bị thủy đậu thường chỉ cần điều trị để giảm các triệu chứng như ngứa và sốt. Đây là lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi chăm sóc con bị thủy đậu.

Giữ con ở nhà 

Vì thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, nên hãy giữ con bạn ở nhà hoặc hạn chế để bé tiếp xúc với người khác. Hãy đảm bảo điều này cho đến khi tất cả các mụn nước đóng vảy. Đồng thời không có mụn nước mới phát triển. Thời gian trung bình khoảng 1 tuần. 

Giữ vệ sinh sạch sẽ 

Hãy tắm cho bé bằng nước mát mỗi ngày. Có thể hòa bột yến mạch với nước rồi tắm để giảm ngứa phát ban. Nhiều người cho rằng khi bé bị thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ.

Việc làm này rất sai lầm. Có nhiều trường hợp do không giữ vệ sinh sạch sẽ nên khiến trẻ bị biến chứng nhiễm trùng.

Bôi thuốc cho bé

Sau khi tắm, bôi thuốc mỡ tại chỗ. Một số loại thuốc như: kem calamine, dầu thạch. Hoặc một loại kem chống ngứa, không mùi có chứa pramoxine, tinh dầu bạc hà và long não.

Tránh dùng kháng sinh tại chỗ không kê đơn vì chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Giảm sốt

Sử dụng thuốc nonaspirin như acetaminophen hoặc ibuprofen. Lưu ý không cho bé uống aspirin để hạ sốt.

Việc sử dụng aspirin ở trẻ em bị thủy đậu có liên quan đến hội chứng Rey. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan và não. Thậm chí có thể gây tử vong.

Giảm ngứa

Ngâm miếng gạc trong bicarbonate soda và nước, sau đó đắp lên vết loét. Các loại kem như kem dưỡng da calamine cũng giúp ích trong trường hợp này.

Nếu con bạn ngứa đến mức không thể chịu được, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamine.

Đừng quên cắt móng tay móng chân cho bé

Việc làm này sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da do trầy xước mụn nước. Đối với trẻ nhỏ, nên đeo bao tay cho bé.

Ngoài ra, hãy đến ngay các cơ sở y tế nếu con bạn nằm trong các trường hợp sau:

– Bé sơ sinh bị thủy đậu

– Con bạn có sức khỏe và hệ miễn dịch yếu

– Mụn nước bị nhiễm trùng.

Hy vọng những thông tin trên bài về bệnh thủy đậu ở trẻ em hữu ích với người đọc.