Các mẹ bầu gần kề ngày sinh nên tham khảo cách rặn đẻ đúng cách sau đây để có cuộc sinh thuận lợi, an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Vì sao mẹ bầu cần thở và rặn đẻ đúng cách trong quá trình vượt cạn?
Mẹ đừng nên nghĩ rằng sinh đẻ là bản năng, là không cần học cũng tự biết cách đẻ. Nếu học được cách thở và rặn đúng cách sẽ giúp cuộc sinh của mẹ diễn ra nhanh chóng hơn, tránh mất sức, tránh các biến chứng sinh như tổn thương đường sinh dục, băng huyết sau sinh…
Thở và rặn đẻ đúng với chu kỳ cơ gò tử cung sẽ giúp thai phụ giảm được mức độ đau, thai nhi chui ra nhanh hơn cũng như tiết kiệm được sức lực trong quá trình sinh. Vậy nên, tìm hiểu về cách rặn đẻ đúng cách đối với thai phụ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.
Hướng dẫn cách thở và cách rặn đẻ đúng cách giúp mẹ bầu vượt cạn thành công
Trước khi đến với cách thở và cách rặn đẻ đúng cách, chúng ta cần hiểu biết về cơn co tử cung. Cơn co tử cung có tính chất chu kỳ và thường gồm 3 thì sau:
- Thì co: Bụng của thai phụ thường có cảm giác cứng lên và cơn đau tăng dần
- Thì kéo dài: Cảm giác đau đạt đỉnh điểm ở thì kéo dài.
- Thì nghỉ: Cơn đau bụng sẽ giảm dần và có thể không còn cảm giác đau nữa. Đây chính là khoảng cách giữa các cơn gò tử cung và là thời điểm để thai phụ phục hồi sức lực chuẩn bị cho cơn đau tiếp theo.
Cách hít thở đúng trong quá trình sinh
Trước hết là cách hít thở đúng trong quá trình sinh. Việc điều hòa nhịp thở và biết cách hít thở khi sinh sẽ là một sự hỗ trợ rất lớn dành cho mẹ bầu. Hít thở đúng cách sẽ tạo cảm giác thoải mái và gia tăng thêm sức rặn cho mẹ bầu.
Khi thai phụ cảm nhận cơn gò tử cung đã đến, bắt đầu thở nhanh dần, hít bằng mũi và thở ra bằng miệng. Đến khi cơn đau tăng dần, thai phụ sẽ thở nhanh và nông hơn, thở làm sao tạo được tiếng rít như tiếng huýt sáo nhỏ là được.
Sau khi cơn đau của thì kéo dài qua đi, cơ thể dần thả lỏng thì lúc này mẹ bầu có thể thở chậm hơn, sâu hơn, vừa thở vừa thư giãn, để lấy lại năng lượng chuẩn bị cho cơn co tử cung kế tiếp.
Hướng dẫn cách rặn đẻ đúng cách khi vượt cạn dành cho mẹ bầu
Khi mẹ bầu xác định được thời điểm rặn và biết cách rặn đẻ đúng cách, chỉ mất một thời gian rất ngắn là sẽ đẩy em bé ra ngoài.
Khi cảm nhận cơn đau xuất hiện, bụng gò cứng dần thì mẹ bầu hãy hít thật sâu sau đó nín thở, ngậm chặt miệng, tay nắm chặt vào thành giường và chân đạp mạnh vào bàn đạp phía cuối giường, giữ thẳng lưng rồi áp sát vào mặt giường, cong mông về phía trước, sau đó dồn hơi và rặn thật mạnh để đẩy hơi xuống bụng dưới. Trong trường hợp sắp hết hơi nhưng vẫn đau thì các mẹ có thể hít tiếp một hơi khác và rặn tiếp cho đến khi cơn đau ngừng hẳn thì thở đều và sâu để lấy sức cho lần rặn sau.
Sau mỗi nhịp rặn đẻ, chị em nghỉ khoảng 50 – 60 giây để lấy lại sức và sự tập trung cho cơn gò tiếp theo. Nếu rặn đẻ khi có cơn gò tử cung thì em bé mới ra dễ dàng và nhanh chóng.
Những lưu ý dành cho mẹ bầu trong quá trình sinh
Để đảm bảo cho quá trình sinh bé được diễn ra tự nhiên, an toàn thì việc tìm hiểu và nắm vững các thông tin về việc hít thở và cách rặn đẻ đúng cách là điều vô cùng quan trọng. Mẹ bầu cần biết cách giúp mẹ bầu sinh dễ dàng và chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái, tự tin. Tránh việc nóng vội và lo lắng quá mức. Sau khi vào phòng sinh, mẹ bầu chỉ cần nhớ kỹ và thực hành theo những thông tin mình đã biết cùng với sự hướng dẫn của các bác sĩ.
Xác định đúng chu kỳ của cơn gò tử cung
Thời gian sinh sẽ kéo dài tùy thuộc vào từng người. Tuy nhiên, thông thường quá trình sinh sẽ diễn ra trong khoảng 6 giờ đến 24 giờ. Chính vì vậy, việc xác định đúng các cơn gò tử cung sẽ giúp mẹ bầu có thể điều hòa nhịp thở cùng dồn sức rặn để em bé ra nhanh và thuận lợi hơn.
Luôn giữ tư thế đúng khi rặn đẻ
Tư thế khi sinh cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc giúp cho em bé ra đời suôn sẻ hơn. Khi nằm trên bàn sinh, mẹ bầu cần nằm cao đầu góc 45 độ, hơi nâng mông một chút, tay nắm chặt 2 càng của bàn sinh, 2 chân đạp mạnh vào giá đỡ chân, lưng thẳng áp sát vào bàn sinh.
Tâm lý lo lắng, hồi hộp của các mẹ bầu khi chuẩn bị “lâm bồn” là rất bình thường. Tuy vậy, mẹ cũng đừng nên quá căng thẳng nhé! Với cách rặn đẻ đúng cách như thế này sẽ giúp mẹ vượt cạn dễ dàng hơn. Chúc các chị em “mẹ tròn, con vuông”.